Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Cảnh báo bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng

Cảnh báo bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng


Đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc do virus adeno gây nên, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa, cơ thể người dễ mệt mỏi, hệ thống miễn dịch hoạt động yếu, tạo điều kiện cho virus dễ tấn công.

Bệnh đau mắt đỏ đã bùng phát thành dịch và được cảnh báo từ giữa tháng 7. Hiện số bệnh nhân mắc đau mắt đỏ vẫn đang gia tăng rất nhanh do thời tiết nóng ẩm là điều kiện lý tưởng cho virus phát triển.

Theo thống kê từ đầu tuần tháng 8 số bệnh nhân đau mắt đỏ phải vào Bệnh viện mắt Trung ương khám và điều trị khoảng 200 bệnh nhân/ngày.

Bệnh lây lan rất nhanh dễ bùng phát thành dịch do lây truyền qua đường hô hấp, đường tiếp xúc, đồ dùng cá nhân (khăn mặt), nguồn nước… Bệnh dễ lây ngay cả khi triệu chứng bệnh chưa rõ ràng tức là còn ở trong thời gian ủ bệnh. Thậm chí, ngay khi bệnh nhân đã khỏi vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần.


Người bệnh cần thường xuyên rửa mắt bằng nước muối sinh lý
Triệu chứng ban đầu của bệnh chỉ là ho, sốt, mệt, nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nhẹ…5-7 ngày sau thì một bên mắt bị đỏ, ra gỉ, chảy nước mắt, 3-5 ngày sau sẽ lây sang mắt còn lại. Bệnh có thể không cân xứng, một mắt nặng hơn mắt kia.

Đây là bệnh lành tính xong vẫn có tỷ lệ biến chứng là 20%, nhiều nhất là viêm giác mạc hoặc để lại sẹo, giảm thị lực do không điều trị đúng cách và kịp thời.

Điều trị bệnh đau mắt đỏ

Không có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu vì bệnh do virus gây nên. Vì thế, việc khỏi bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng miễn dịch, dinh dưỡng, vệ sinh, có các viêm nhiễm phối hợp hay không... Người bệnh cần thường xuyên rửa mắt bằng nước muối, tra thuốc mắt theo đúng chỉ định.

Người bệnh cần đeo kính râm, khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Việc này tuy không thể loại trừ hết nguy cơ lây bệnh nhưng giúp giảm thiểu khả năng lây bệnh cho những người xung quanh.

Chưa có thuốc đặc trị cho viêm kết mạc dịch, bệnh có xu hướng tự khỏi trong 7 - 10 ngày. Thông thường bệnh được chỉ định dùng các thuốc diệt virus dùng uống, tra, nhỏ mắt được bác sĩ kê đơn trong những trường hợp cụ thể. Dùng kháng sinh nhỏ mắt phổ rộng hay kháng sinh kết hợp với cortizol nhỏ mắt. Nhỏ nước muối nhiều lần trong ngày để rửa sạch mắt.

Lưu ý: Không tự ý tra thuốc bừa bãi. Cẩn thận khi dùng thuốc Clodexa và Nemydexa vì các thuốc này có chứa chất gây giảm miễn dịch mắt. Không nên dùng biện pháp xông lá vào mắt...

Phòng bệnh đau mắt đỏ

Rửa tay thường xuyên với xà phòng

Không dụi tay lên mắt

Không dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, chậu rửa mặt…

Nên đeo kính râm khi ra đường. Sau một ngày lao động có tiếp xúc bụi mắt nên rửa mặt sạch rồi rửa mắt bằng nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9%.

Tránh tiếp xúc với bệnh nhân đau mắt đỏ. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì cần thường xuyên rửa mắt bằng nước muối sinh lý, rửa tay bằng xà phòng xát khuẩn.

Khi thấy các triệu chứng như mắt cộm, ngứa, có dử mắt, chảy nước mắt thì nên đến chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời để phòng biến chứng bệnh.
Thanh HằngTheo afamily.vn

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Phòng và điều trị bệnh đau mắt đỏ hiệu quả nhất


Trong những tuần gần đây, tại Hà Nội, số bệnh nhân viêm kết mạc (đau mắt đỏ) đang gia tăng. Đây là bệnh có khả năng lây lan rộng gây dịch trong cộng đồng. Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên về việc phòng lây nhiễm và điều trị, BS Chu Thị Vân, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết:


- Từ đầu tháng 7 đến nay, số bệnh nhân đến khám viêm kết mạc cấp (trong cộng đồng vẫn quen gọi là đau mắt đỏ) tại Bệnh viện Mắt Hà Nội và các quận huyện khoảng hơn 2.200 trường hợp. Thực tế, số người mắc bệnh có thể cao hơn vì bệnh nhân khám tại các cơ sở khác hoặc tự mua thuốc chữa.

Triệu chứng ban đầu, bệnh nhân thường có cảm giác cộm, nóng rát trong mắt, có cảm giác như có hạt cát trong mắt; kèm theo là sợ ánh sáng, chảy nước mắt ở các mức độ khác nhau. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt rồi lây sang mắt thứ hai sau một vài ngày. Mi mắt có biểu hiện sưng nề, kết mạc cương tụ đỏ (mắt đỏ), có thể thấy xuất huyết dưới kết mạc kèm hiện tượng nước mắt cũng có màu hồng chảy ra ngoài khe mi.

Mắt đau có dử mắt (ghèn) màu vàng hoặc vàng xanh, cũng có khi màu nâu vì có lẫn máu. Chất này đọng thành cục, rất dính khiến cho bệnh nhân có thể bị dính hai mi vào buổi sáng khi ngủ dậy. Một số trường hợp viêm kết mạc cấp có "giả mạc" (hiện tượng mắt có một lớp tơ huyết cô đặc lại, màu hơi vàng phủ lên kết mạc). Giả mạc mủn và dễ bóc, nhưng có thể xuất hiện lại rất nhanh chóng.

Nguyên nhân gây nên viêm kết mạc cấp thường do bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên hoặc do tiếp xúc với người đau mắt. Vì vậy, ngoài biểu hiện viêm ở kết mạc, bệnh nhân có thể viêm họng và nổi hạch trước tai. Bệnh thường xuất hiện vào thời gian mùa hè sau đợt mưa, lụt. Khi trời nắng ráo, đất cát khô, gió bụi bẩn, nguồn nước ô nhiễm là nguyên nhân của bệnh đau mắt đỏ. Vì vậy, bệnh này cũng thường xuất hiện ở vùng lũ lụt, từ đó phát tán rộng. Bệnh có thể gây thành dịch trong một vùng dân cư rộng lớn, đặc biệt nơi tập trung đông người như khu tập thể, nhà trẻ, trường học.

* Xin cho biết phương pháp phòng bệnh trong cộng đồng?

- Đây là bệnh dễ lây lan. Để phòng bệnh, chúng ta cần giữ vệ sinh đôi mắt. Tuyệt đối không dùng tay bẩn hoặc khăn bẩn lau dụi mắt. Cần giữ vệ sinh tay sạch sẽ bằng cách rửa xà phòng. Tránh tiếp xúc và không dùng chung đồ dùng: khăn, chậu với người đau mắt đỏ. Trong môi trường tập thể: nhà trẻ mẫu giáo, trường hợp bị đau mắt đỏ cần được nghỉ ở nhà điều trị.

Khi mắc bệnh, có thể chườm lạnh mắt 3-4 lần trong ngày. Có thể sát trùng nhẹ bằng nước muối 9%. Trường hợp khó chịu nhiều, cộm mắt, tra dung dịch kháng sinh như: Tobradex 1%; Maxitrol 1% từ 4-6 lần/ngày. Lưu ý, nếu mắt có giả mạc cần phải bóc đi rồi tra thuốc mới có tác dụng. Bệnh nhân khi đau mắt đỏ nên đến cơ sở điều trị chuyên khoa để được khám, tư vấn điều trị, không tự ý dùng thuốc. Thông thường, đau mắt đỏ có tiến triển lành tính, có thể khỏi trong một tuần. Nhưng bệnh cũng có thể diễn biến nặng gây tổn thương trên giác mạc (lòng đen), ảnh hưởng đến thị lực. Lúc đó, việc điều trị rất dai dẳng.

Liên Châu(thực hiện)
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

Bệnh đau mắt đỏ bùng phát ở Hà Nội

Khoảng 10 ngày trở lại đây, đã có hàng nghìn bệnh nhân phải đi khám mắt bởi các triệu chứng cộm, ngứa rát và có dử.... Trong đó, có hơn 500 ca đã được xác định là đau mắt đỏ.




Theo bác sĩ Lê Xuân Cung, Viện mắt Trung ương, bệnh đau mắt đỏ, hay còn gọi là viêm kết mạc cấp là bệnh truyền nhiễm bùng phát và lây lan rất nhanh sau mưa ngập do điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn hay nguồn ô nhiễm.

Mặc dù Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã cấp phát 1 triệu lọ thuốc nhỏ mắt tới các vùng bị ngập lụt nặng của thành phố, và luôn cảnh báo về những nguy cơ nhiễm bệnh dịch, tuy nhiên những thói quen không giữ vệ sinh đúng cách của một số người dân đã khiến cho nguy cơ nhiễm bệnh là không tránh khỏi.

Đến Viện mắt Trung ương trong tình trạng mắt đỏ cộm, chảy nước, chị Lai (Thanh Trì) hối hận cho biết, cả gia đình dùng chung khăn mặt nên chỉ trong vòng 2 ngày, cả nhà chị 4 người đều mắc bệnh đau mắt đỏ. Chị là người bị nặng nhất với cặp mắt sưng mọng, bị dử dính vít lại.

"Hàng xóm nhà tôi cũng lác đác có người kêu mắt bị cộm, ngứa", chị Lai cho biết.

Cùng có mặt tại Viện mắt Trung ương chiều nay (17/11), chị Dung ở quận Hoàng Mai thắc mắc, do phải sống trong vùng ngập lụt lâu, nên cả nhà đã rất chăm chỉ nhỏ mắt, vậy mà tại sao chị và cô con gái lớn vẫn bị bệnh.

"Cả nhà tôi dùng chung một lọ Clorocid. Đều đặn 2 lần, sáng và tối, tôi chịu trách nhiệm nhỏ mắt cho tất cả thành viên trong gia đình. Thế mà không hiểu tại sao, tôi và con gái lớn vẫn có triệu chứng viêm kết mạc". Vừa nói, chị Dung vừa bỏ kính ra cho thấy mắt bên trái đã bắt đều có gèn.

Trước những thắc mắt của bệnh nhân, bác sĩ Cung cho biết, đau mắt đỏ dễ lây qua tiếp xúc tay - mắt. Nếu người bị mắc bệnh lấy tay dụi mắt, rồi bàn tay ấy lại vô tình chạm vào các vật dụng trong nhà, công sở như khăn mặt, điện thoại, máy tính, cốc, chén... sẽ khiến cho những người xung quanh có nguy cơ bị lây nhiễm cao.

"Bệnh đau mắt đỏ không đáng sợ nếu được phát hiện và điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi sau 4-5 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ quan, điều trị không đúng cách, rất dễ biến chứng thành viêm, loét giác mạc và nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng sẽ rất lớn", bác sĩ cảnh báo.

"Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ, phải rất chú ý giữ vệ sinh cá nhân, tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh. Đặc biệt không nên dùng chung khăn, chậu rửa mặt, tránh dụi mắt và luôn giữ gìn vệ sinh cá nhân và nơi sinh hoạt khô ráo, sạch sẽ" ông Cung khuyến cáo.

Theo VTC

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Những điều cần biết về bệnh đau mắt đỏ

Vừa qua, số bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương đã lên tới 2.100 người, tức là bằng số bệnh nhân của cả tháng trước.

Các bệnh viện khác cũng liên tục tiếp nhận bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị. Đau mắt đỏ là bệnh dễ gặp, dễ chữa, nhưng nếu không đúng cách và kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho người bệnh.

Nắng nóng, bụi bẩn, không khí ô nhiễm. Những yếu tố môi trường này tác động rất mạnh tới sức khỏe của đôi mắt. Và trong tình hình dịch đau mắt đỏ lan rộng như hiện nay, mắt rất dễ bị nhiễm virus gây bệnh.

Đau mắt đỏ dễ bùng phát thành dịch do nó lây truyền qua đường hô hấp, đường tiếp xúc, đồ dùng cá nhân (khăn mặt), nguồn nước... Vì vậy, bạn hạn chế tham gia sinh hoạt công cộng ở thời điểm này, nhất là đi bơi. Những người có tiền sử như sẹo kết mạc, sạn vôi mắt hột, mộng thịt cũng phải chú ý vì rất dễ bị đau mắt đỏ.


Để phòng bệnh đau mắt đỏ, chúng ta cần giữ vệ sinh đôi mắt:

- Tuyệt đối không dùng tay bẩn hoặc khăn bẩn lau dụi mắt.

- Cần giữ vệ sinh tay sạch sẽ bằng cách rửa xà phòng.

- Tránh tiếp xúc và không dùng chung đồ dùng như khăn, chậu với người đau mắt đỏ.

- Trong môi trường tập thể: nhà trẻ mẫu giáo, trường hợp bị đau mắt đỏ cần được nghỉ ở nhà điều trị.

Khi mắc bệnh:

- Có thể chườm lạnh mắt 3-4 lần trong ngày.

- Có thể sát trùng nhẹ bằng nước muối nhẹ

- Trường hợp khó chịu nhiều, cộm mắt, tra dung dịch kháng sinh

Ngoài ra, các bạn cần lưu ý thêm về chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt:

- Chắc chắn rằng chế độ ăn uống của mình có chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho mắt, nhất là vitamin A.

- Các loại thành phần dinh dưỡng tốt cho mắt bao gồm cần tây, dầu cá, lòng đỏ trứng gà, gan động vật...

- Uống nhiều nước, khoảng 6 - 8 ly nước/ngày để giữ độ ẩm cần thiết cho mắt.
- Ngủ đủ thời gian, ít nhất là 7 giờ/ngày, bởi đó là cách tốt nhất giữ cho đôi mắt của bạn luôn trẻ trung, khỏe mạnh và sẵn sàng cho một ngày mới.


Tác giả : TS (VTC)
(suckhoe&doisong)

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

ĐAU MẮT ĐỎ CÓ NÊN ĐEO KÍNH ?

Nhiều người trong chúng ta khi bị đau mắt đỏ thường nghĩ rằng :”ta nên đeo kính để bảo vệ mắt cho mình và tránh lây lan cho người khác.” Vậy liệu ý nghĩ đó có đúng chăng ???

1/ Một số tên gọi khác:
Ngoài đau mắt đỏ , dân gian vẫn thường gọi là đau mắt gió. Chuyên môn thường gọi là viêm màng tiếp hợp, viêm kết mạc. Gần đây, theo qui định về thuật ngữ, thống nhất dùng từ viêm kết mạc cấp.

2/ Nhắc lại giải phẫu:

Lớp kết mạc là một màng niêm mạc mỏng lót mặt trong của hai mi mắt và mặt trước nhãn cầu. Vòm kết mạc là vùng kết mạc liên tiếp giữa mi mắt và nhãn cầu.

Kết mạc được chia làm hai phần:

- Kết mạc mi: nằm lót mặt trong mi.

- Kết mạc nhãn cầu: phủ phía trước nhãn cầu


3/ Triệu chứng:

Vùng lòng trắng đỏ lên, đùn nhử tơ nhầy hoặc nhử vàng. nhử có thể bó chặt bờ mi lúc ngủ dậy. Có khi phải thấm nước âm ấm hoặc nước muối cho nhử bở ra mới mở mắt được. Người bệnh cảm thấy nó cồm cộm như có hạt cát, hạt bụi trong mắt. Nói chung lòng đen vẫn trong bóng bình thường. Mở to mắt (sau khi lau sạch nhử) mà nhìn thì thấy sức nhìn không hề giảm. Tuy nhiên, nếu để đau nặng hoặc diễn biến quá lâu, có thể tổn hại giác mạc, thì thị lực sẽ giảm sút.

4/ Diễn biến:

Thường bệnh lui khỏi sau một tuần hoặc hơn nếu giữ vệ sinh tốt và chạy chữa tích cực. Chạy chữa lai rai, vệ sinh khăn mặt và nước rửa không tốt có thể dẫn tới biến chứng giác mạc.

5/ Tác hại:

Có thể gây thành DỊCH. Tuy nhiên đó chỉ mới là tác hại trước mắt. Thực ra , đau mắt dỏ còn có tác hại sâu xa hơn: tạo điều kiện cho đau mắt hột phát sinh, phát triển và lây lan. Người ta nói:” Bệnh đau mắt đỏ là cái nôi sản sinh ra đau mắt hột”, vì nó làm cho con mắt kém đề kháng. Người bị đau mắt hột mà có các đợt đau mắt đỏ phối hợp thì đau mắt hột càng nặng và càng nhiều biến chứng quặm, loét giác mạc, màng máu. Và chính khi đó mắt hột dễ lây lan, vì nhử mắt nhiều sẽ là những cái xe vận chuyển mầm viêm mắt hột từ người đau sang người lành qua các vật trung gian như khăn mặt, chậu rửa, ruồi nhặng và các đồ vật trung gian khác.

6/ Chữa bệnh:

- Nitrate bạc 0,5-1% và các hợp chất khác của bạc như Argyrol, Protargol (3%-5%-10%) vẫn là các thuốc kinh điển chữa đau mắt đỏ.

- Nếu tra hợp chất bạc không khỏi, có thể tra chlorocid hoặc Chloramphenicol 0,4-0,5% phối hợp tra thuốc mỡ kháng sinh.

7/ Phòng ngừa:

Là vấn đề vệ sinh khăn mặt, nước rửa, vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường sống, vệ sinh phân rác nói chung. Nói như vậy thì tóm tắt quá. Chi tiết hóa vấn đề này chúng ta thực hiện các điều tối thiểu sau đây:

- Tránh đưa tay bẩn lên mắt.

- Tránh bụi cát lúc đi đường, muốn như vậy nên có kính râm để đeo lúc đi đường gió bụi.

- Sau một ngày lao động có va chạm bui cát, sau khi tổng vệ sinh gia đình, cơ quan nên rửa mặt sạch rồi tra vào mắt vài giọt nước nhỏ mắt Natri clorid 0,9%

- Rửa mặt bằng khăn sạch, nước sạch.

- Năng giặt khăn mặt, khăn mùi xoa bằng xà phòng và phơi chỗ nắng.

- Chữa bệnh khẩn trương và cách ly tốt cho người đau.

Vậy như đã trình bày ở trên bệnh đau mắt đỏ tuy là một bệnh nhẹ, dễ chữa nhưng có thể gây thành dịch và là mầm mống gây bệnh đau mắt hột. Việc đeo kính hoàn toàn không thể ngăn ngừa lây lan cho người khác như nhiều người vẫn nghĩ. Tuy nhiên việc đeo kính cũng có những tác dụng tích cực như: bảo vệ mắt người bệnh khỏi bụi khi đi đường, thông báo cho người khác là mình bị đau mắt để họ đề phòng.

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Phòng và điều trị bệnh đau mắt đỏ như thế nào?

Hiện nay bệnh đau mắt đỏ (hay là viêm kết mạc cấp do virút) xuất hiện và lan tràn ở rất nhiều tỉnh trên toàn quốc. Ở Thái Nguyên, số người bị đau mắt đỏ ngày càng tăng lên, mỗi ngày có 40-50 bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên. Nguy cơ bệnh có thể gây thành dịch.



Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến lao động, học tập, giải trí… Không ít trường hợp bệnh nặng gây biến chứng viêm loét giác mạc làm giảm thị lực có thể gây dẫn đến mù loà. Vì vậy chúng ta cần phải hiểu biết cách phòng và điều trị bệnh đau mắt đỏ.


Bệnh đau mắt đỏ có từ lâu đời và năm nào cũng xuất hiện, có thể rải rác hoặc bùng phát thành dịch, chính vì vậy thường dễ và tự chẩn đoán được. Tuy nhiên nhiều trường hợp nếu không đi khám có thể nhầm lẫn sang căn bệnh khác cũng gây đỏ mắt như: thiên đầu thống, viêm màng bồ đào, chấn thương, viêm loét giác mạc và viêm kết mạc. Bệnh thường xuất hiện và tập trung nhiều ở những vùng đông dân cư, đặc biệt là nhà trẻ và trường học. Bệnh lây trực tiếp theo con đường như: bắt tay với người bị đau mắt đỏ có dính tiết tố dử mắt, do dùng chung khăn mặt, chậu rửa mặt, nguồn nước hay thông qua vật trung gian như ruồi, nhặng, các đồ vật ấm chén, bát đũa… mà vô tình tay người bệnh dụi mắt rồi cầm vào. Bệnh cũng có gián tiếp lây qua con đường hô hấp do trực tiếp nói chuyện với người bị bệnh, vi rút lan theo tia nước bọt bắn ra.

Virút gây bệnh đau mắt đỏ gồm rất nhiều, túyp gây bệnh khác nhau, do vậy diễn biến bệnh ngày một đa dạng, khó xác định và chưa có một loại vacxin để phòng ngừa hữu hiệu. Nếu trong gia đình có người bị đau mắt đỏ, lập tức phải giặt khăn mặt bằng xà phòng hay luộc khăn mặt sau đó phơi ra nắng. Không dùng chung khăn, chậu rửa mặt, tránh tiếp xúc với người đau mắt đỏ. Nhà trường nên cho những học sinh bị đau mắt đỏ nghỉ học để tránh lay lan; hạn chế những cuộc hội họp; tránh bắt tay với người bị đau mắt đỏ; cần có ý thức vệ sinh cá nhân để tránh lây sang người khác.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh đau mắt đỏ vì bệnh do virút gây nên, bệnh thường tự khỏi do sức đề kháng của người bệnh. Bệnh chủ yếu dùng thuốc kháng sinh sát khuẩn thông thường hiện có trên thị trường để tra mắt như: Gentamicin 3%, Cloroxit 4%, Tetraciclin 1%, Loxon, Tobrex… tra thuốc nước làm nhiều lần trong ngày, tra thuốc mỡ vào những lúc nằm nghỉ. Người bệnh không được tự ý dùng các loại thuốc có Corticoide như Cloroxit H, Dexaclor, Hydroctison, Polydexa… khi không có chỉ định của bác sỹ chuyên khoa. Nếu thấy hiện tượng đau nhức, khó chịu có thể dùng thuốc giảm đau và dùng khăn mặt ướt lạnh đắp chườm ngoài mắt. Uống, tiêm kháng sinh khi bệnh bị bội nhiễm.

Chú ý: Những trường hợp đau mắt đỏ từ 5 đến 7 ngày không đỡ, nhìn mờ, đặc biệt là trẻ em thì nên đến ngay các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa mắt khám, tư vấn và điều trị để phòng biến chứng của bệnh; không nên xông dầu, đắp thuốc lá cây hay rửa mặt bằng nước muối vì như vậy sẽ gây sưng, kích thích khó chịu và dễ có nguy cơ bội nhiễm.



Đau mắt đỏ có biểu hiện khó chịu ở mắt, cảm giác đau rát như có dị vật hay hạt cát ở trong mắt, sau đó tăng tiết dịch (dử mắt) nhanh chóng, đôi khi có thể thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt kín đáo mà không có tổn thương giác mạc kèm theo. Đặc biệt là thị lực không giảm nếu không có biến chứng vào giác mạc. Đi khám thấy kết mạc cương tụ, phù nề và xung huyết tuỳ mức độ, sau đó xuất hiện các nhú gai, hột hay màng và đặc biệt là giả mạc. Nhất là ở trẻ em, giả mạc hoại tử sẽ gây viêm lóet giác mạc và để lại di chứng sẹo có dính kết mạc.


Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng


Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Bệnh đau mắt đỏ đang lan rộng


Bệnh đau mắt đỏ đang lan rộng ở các khu vực thuộc TP.HCM, Hà Nội và miền Bắc. Tại Bệnh viện mắt trung ương, mỗi ngày có tới 200 bệnh nhân đau mắt đỏ tới khám. Số bệnh nhân thực tế trong cộng đồng còn cao hơn, vì người bệnh có thể đến khám tại các cơ sở y tế tư nhân hoặc mua thuốc tự điều trị.


Đau mắt đỏ là từ dùng để chỉ bệnh viêm kết mạc cấp. Bệnh rất dễ lây lan trong cộng đồng nên thường phát triển thành dịch, phổ biến ở nước ta, thường vào mùa mưa. Bệnh thường tự hết trong vòng 1 tuần và không để lại di chứng.


1. Nguyên nhân:

- Nhiễm khuẩn: vi khuẩn tụ cầu, tạp khuẩn, virus, ký sinh trùng...
- Vật lý: gió, bụi, cát, ánh sáng, sức nóng, tia X.
- Hóa học: các chất axit, kiềm, iot, cồn.
- Dị ứng: dị ứng thuốc, do côn trùng, theo mùa.


Thời gian ủ bệnh khoảng 3 ngày.

- Triệu chứng chức năng: Bệnh nhân thấy:

+ Ngứa, cộm, chói, đau nhức, đỏ mắt, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và tiết nhiều dử mắt. Đôi khi ngủ dậy, dử mắt làm hai mi dính chặt lại khiến bệnh nhân khó mở mắt. Khi khởi bệnh, thường một mắt bị viêm trước, vài ngày sau mới đến mắt kia. Một số trường hợp có xuất huyết kết mạc, gây đỏ mắt kéo dài; nếu nặng có thể mờ mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng do tổn thương giác mạc.

+ Khó nhìn, nhưng không giảm thị lực.

- Triệu chứng thực thể: Khám trực tiếp sẽ thấy những tổn thương cơ bản: đỏ mắt, mi mắt có thể sưng nề, kết mạc phù nề, xuất huyết dưới kết mạc, nhú mạch máu, hột, trường hợp nặng có thể làm cho giác mạc bị mờ đục, khi đó thị lực giảm rất nhiều.

- Toàn thân: Có thể sốt nhẹ, sưng hạch góc hàm hoặc hạch sau tai, họng đỏ, amidan sưng to.

3. Đường lây lan của bệnh:

Bệnh có thể lây từ người này sang người khác do virus gây bệnh. Virus có nhiều trong nước mắt và dử mắt người bệnh, có thể lây qua các đường:
- Vật dụng sinh hoạt: do dùng chung khăn và chậu rửa mặt, bệnh nhân dụi mắt và cầm nắm vào các đồ vật sẽ lây cho những người dùng chung đồ vật đó, hoặc lây qua môi trường bể bơi. Ở một số nơi do vệ sinh kém có thể lây qua vật trung gian là ruồi.

- Đường nước bọt: nước mắt tiết ra sau khi làm nhiệm vụ dinh dưỡng và làm sạch cho mắt sẽ thoát qua lệ đạo xuống mũi, họng và khi bệnh nhân nói chuyện, ho hoặc hắt hơi thì virus sẽ theo nước bọt bắn ra ngoài và lây bệnh cho người khác.


Nên đến khám tại các cơ sở khám chữa mắt để có chẩn đoán và phương pháp điều trị hợp lý. Tránh tự mua thuốc về nhỏ gây ra biến chứng nguy hiểm.
- Kháng sinh tra tại mắt: Tobrex, oflovid, okacin... Có thể tra mắt 6-8 lần mỗi ngày.

- Dùng kháng sinh toàn thân: Khi bệnh nhân sốt, sưng hạch, viêm họng, có thể dùng: erythromyxin, cephalexine...

- Thuốc điều trị triệu chứng: Khi bệnh nhân sốt, đau nhức, có thể dùng thuốc chống viêm, giảm đau: paracetamon...; dùng thuốc chống viêm giảm phù nề: Amitase, Alphachymotrypsine...

- Thuốc dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng: Chế độ ăn và bổ sung các vitamin nhóm B, C.

5. Hậu quả của bệnh:

Bệnh có thể khỏi hoàn toàn trong vòng 1 đến 2 tuần không để lại di chứng, tuy nhiên thường gây ra một số hậu quả:

- Ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động.

- Có thể gây nên tổn thương giác mạc: như viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc chấm nông gây giảm thị lực kéo dài.

- Có thể lây lan thành dịch.

6. Phòng bệnh:

- Luôn vệ sinh sạch sẽ, khi đi đường bụi phải đeo kính, tra nước muối sinh lý để rửa mắt.

- Khi bị viêm kết mạc cấp thì phải có ý thức phòng tránh lây nhiễm cho người khác như: dùng riêng khăn và chậu rửa mặt, đeo kính và đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người. Trước khi dùng các vật dụng chung phải rửa tay xà phòng và tra mắt ít nhất 1 lần/ngày bằng dung dịch muối 0,9%. Khi có người trong gia đình bị đau mắt đỏ, cần cách ly, không dùng chung khăn mặt. Ở những nơi công cộng như trường học, nhà trẻ, cần có giải pháp phòng ngừa: rửa tay thường xuyên, cách ly người bệnh.
Theo TS Bùi Mạnh Hà/ Thanh Niên