Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Phòng và điều trị bệnh đau mắt đỏ như thế nào?

Hiện nay bệnh đau mắt đỏ (hay là viêm kết mạc cấp do virút) xuất hiện và lan tràn ở rất nhiều tỉnh trên toàn quốc. Ở Thái Nguyên, số người bị đau mắt đỏ ngày càng tăng lên, mỗi ngày có 40-50 bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên. Nguy cơ bệnh có thể gây thành dịch.



Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến lao động, học tập, giải trí… Không ít trường hợp bệnh nặng gây biến chứng viêm loét giác mạc làm giảm thị lực có thể gây dẫn đến mù loà. Vì vậy chúng ta cần phải hiểu biết cách phòng và điều trị bệnh đau mắt đỏ.


Bệnh đau mắt đỏ có từ lâu đời và năm nào cũng xuất hiện, có thể rải rác hoặc bùng phát thành dịch, chính vì vậy thường dễ và tự chẩn đoán được. Tuy nhiên nhiều trường hợp nếu không đi khám có thể nhầm lẫn sang căn bệnh khác cũng gây đỏ mắt như: thiên đầu thống, viêm màng bồ đào, chấn thương, viêm loét giác mạc và viêm kết mạc. Bệnh thường xuất hiện và tập trung nhiều ở những vùng đông dân cư, đặc biệt là nhà trẻ và trường học. Bệnh lây trực tiếp theo con đường như: bắt tay với người bị đau mắt đỏ có dính tiết tố dử mắt, do dùng chung khăn mặt, chậu rửa mặt, nguồn nước hay thông qua vật trung gian như ruồi, nhặng, các đồ vật ấm chén, bát đũa… mà vô tình tay người bệnh dụi mắt rồi cầm vào. Bệnh cũng có gián tiếp lây qua con đường hô hấp do trực tiếp nói chuyện với người bị bệnh, vi rút lan theo tia nước bọt bắn ra.

Virút gây bệnh đau mắt đỏ gồm rất nhiều, túyp gây bệnh khác nhau, do vậy diễn biến bệnh ngày một đa dạng, khó xác định và chưa có một loại vacxin để phòng ngừa hữu hiệu. Nếu trong gia đình có người bị đau mắt đỏ, lập tức phải giặt khăn mặt bằng xà phòng hay luộc khăn mặt sau đó phơi ra nắng. Không dùng chung khăn, chậu rửa mặt, tránh tiếp xúc với người đau mắt đỏ. Nhà trường nên cho những học sinh bị đau mắt đỏ nghỉ học để tránh lay lan; hạn chế những cuộc hội họp; tránh bắt tay với người bị đau mắt đỏ; cần có ý thức vệ sinh cá nhân để tránh lây sang người khác.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh đau mắt đỏ vì bệnh do virút gây nên, bệnh thường tự khỏi do sức đề kháng của người bệnh. Bệnh chủ yếu dùng thuốc kháng sinh sát khuẩn thông thường hiện có trên thị trường để tra mắt như: Gentamicin 3%, Cloroxit 4%, Tetraciclin 1%, Loxon, Tobrex… tra thuốc nước làm nhiều lần trong ngày, tra thuốc mỡ vào những lúc nằm nghỉ. Người bệnh không được tự ý dùng các loại thuốc có Corticoide như Cloroxit H, Dexaclor, Hydroctison, Polydexa… khi không có chỉ định của bác sỹ chuyên khoa. Nếu thấy hiện tượng đau nhức, khó chịu có thể dùng thuốc giảm đau và dùng khăn mặt ướt lạnh đắp chườm ngoài mắt. Uống, tiêm kháng sinh khi bệnh bị bội nhiễm.

Chú ý: Những trường hợp đau mắt đỏ từ 5 đến 7 ngày không đỡ, nhìn mờ, đặc biệt là trẻ em thì nên đến ngay các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa mắt khám, tư vấn và điều trị để phòng biến chứng của bệnh; không nên xông dầu, đắp thuốc lá cây hay rửa mặt bằng nước muối vì như vậy sẽ gây sưng, kích thích khó chịu và dễ có nguy cơ bội nhiễm.



Đau mắt đỏ có biểu hiện khó chịu ở mắt, cảm giác đau rát như có dị vật hay hạt cát ở trong mắt, sau đó tăng tiết dịch (dử mắt) nhanh chóng, đôi khi có thể thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt kín đáo mà không có tổn thương giác mạc kèm theo. Đặc biệt là thị lực không giảm nếu không có biến chứng vào giác mạc. Đi khám thấy kết mạc cương tụ, phù nề và xung huyết tuỳ mức độ, sau đó xuất hiện các nhú gai, hột hay màng và đặc biệt là giả mạc. Nhất là ở trẻ em, giả mạc hoại tử sẽ gây viêm lóet giác mạc và để lại di chứng sẹo có dính kết mạc.


Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét