Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Phòng chữa bệnh đau mắt đỏ.

(Daumatdo.blogspot.com) - Bệnh đau mắt đỏ, dân gian vẫn thường gọi là đau mắt gió. Chuyên môn thường gọi là viêm màng tiếp hợp, viêm kết mạc. Gần đây, theo qui định về thuật ngữ, thống nhất dùng từ viêm kết mạc cấp. Bệnh đau mắt đỏ được biểu hiện bởi mắt đỏ và có ghèn.



Bệnh đau mắt đỏ được biểu hiện bởi mắt đỏ và có ghèn.
Triệu chứng:
Bệnh nhân thường có những cảm giác ở mắt như nóng rát, đau, nặng mắt, cảm giác như có hạt cát trong mắt, đôi khi kèm theo nhìn mờ, nhìn thấy quầng màu và sợ ánh sáng. Mi mắt sưng nhẹ, kết mạc mi sưng đỏ. Ghèn (nhử mắt) có thể bó chặt bờ mi lúc ngủ dậy. Có khi phải thấm nước âm ấm hoặc nước muối cho nhử bở ra mới mở mắt được. Người bệnh cảm thấy nó cồm cộm như có hạt cát, hạt bụi trong mắt. Nói chung lòng đen vẫn trong bóng bình thường. Mở to mắt (sau khi lau sạch nhử) mà nhìn thì thấy sức nhìn không giảm mấy. Tuy nhiên, nếu để đau nặng hoặc diễn biến quá lâu, có thể tổn hại giác mạc, thì thị lực sẽ giảm sút. Nếu bệnh nặng mắt sẽ sưng nhiều, kết mạc đỏ rực, đôi khi xuất hiện hạch vùng tai. Bệnh đau mắt đỏ có thể giới hạn ở một mắt nhưng thường xảy ra ở hai mắt.


Diễn biến:
Nguồn gốc ban đầu từ mũi họng và thường kèm theo các triệu chứng ho, sốt, phát ban. Điều này giải thích tại sao bệnh đau mắt đỏ tăng cao mỗi khi có đợt dịch cúm hoặc viêm đường hô hấp.
Đau mắt đỏ xảy ra ở tất cả lứa tuổi và tất cả thời gian trong năm, nhưng phổ biến nhất ở trẻ em và người trẻ. Thường bệnh lui khỏi sau một tuần hoặc hơn nếu giữ vệ sinh tốt và chạy chữa tích cực. Chạy chữa lai rai, vệ sinh khăn mặt và nước rửa không tốt có thể dẫn tới một số biến chứng như viêm giác mạc, loét giác mạc. Những biến chứng này thường xảy ra ở người thể trạng suy kiệt hoặc do dùng thuốc không đúng cách. (Đây là nguyên nhân thường gặp nhất).


Tác hại:
Có thể gây thành dịch “mắt đỏ”. Tuy nhiên đó chỉ mới là tác hại trước mắt. Thực ra , đau mắt dỏ còn có tác hại sâu xa hơn: tạo điều kiện cho đau mắt hột phát sinh, phát triển và lây lan. Người ta nói:” Bệnh đau mắt đỏ là cái nôi sản sinh ra đau mắt hột”, vì nó làm cho con mắt kém đề kháng. Người bị đau mắt hột mà có các đợt đau mắt đỏ phối hợp thì đau mắt hột càng nặng và càng nhiều biến chứng quặm, loét giác mạc, màng máu. Và chính khi đó mắt hột dễ lây lan, vì nhử mắt nhiều sẽ là những cái xe vận chuyển mầm viêm mắt hột từ người đau sang người lành qua các vật trung gian như khăn mặt, chậu rửa, ruồi nhặng và các đồ vật trung gian khác.

Chữa bệnh:
- Rửa mắt với dung dịch NaCl 0,9% 3 lần/ngày
- Dùng kháng sinh (thuốc nhỏ, thuốc mỡ). Lý tưởng là dựa trên xét nghiệm nhuộm gram và kháng sinh đồ. Tuy nhiên, có thể dùng một số loại kháng sinh thông thường như: oramphenicol, Tobramycin.
- Khi bệnh viêm kết mạc có bội nhiễm vi trùng (ghèn xanh như mủ) hoặc có biến chứng trên giác mạc (mờ mắt, sợ ánh sáng và đau), bạn phải đến khám ở bác sĩ chuyên khoa.
- Tuyệt đối không tự chữa theo các liệu pháp dân gian như xông khói , rửa bằng nước lá…rất nguy hiểm.


Phòng ngừa:
Là vấn đề vệ sinh khăn mặt, nước rửa, vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường sống, vệ sinh phân rác nói chung. Chi tiết hóa vấn đề này chúng ta thực hiện các điều tối thiểu sau đây:
- Tránh đưa tay bẩn lên mắt.
- Sau một ngày lao động có va chạm bui cát, sau khi tổng vệ sinh gia đình, cơ quan nên rửa mặt sạch rồi tra vào mắt vài giọt nước nhỏ mắt Natri clorid 0,9% (nước muối sinh lý).
- Rửa mặt bằng khăn sạch, nước sạch.
- Năng giặt khăn mặt, khăn mùi xoa bằng xà phòng và phơi chỗ nắng.
- Chữa bệnh khẩn trương và cách ly tốt cho người đau.
- Việc đeo kính hoàn toàn không thể ngăn ngừa lây lan cho người khác như nhiều người vẫn nghĩ. Tuy nhiên việc đeo kính cũng có những tác dụng tích cực như: bảo vệ mắt người bệnh khỏi bụi khi đi đường, cảm tháy dễ chịu hơn, thông báo cho người khác là mình bị đau mắt để họ đề phòng.
Tóm lại, bệnh đau mắt đỏ là bệnh rất phổ biến, dễ chữa, có thể tự khỏi. Tuy nhiên, khi mắc bệnh cần chú ý tránh lây lan cho cộng đồng và khi có những triệu chứng nặng như ghèn mủ xanh, nhìn mờ, sợ ánh sáng nên đến khám bác sỹ chuyên khoa mắt để được điều trị thích hợp.
Theo: Bác sĩ gia đình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét